Hoạt động dựa vào kênh Kênh_Chợ_Gạo

Xuất khẩu gạo

Trên kênh Chợ Gạo có khoảng 30% sà lan chở gạo. Những chiếc sà lan khổng lồ có tải trọng từ 1.000 - 2.000 tấn (Trung bình một xe container chở được 40 tấn thì một sà lan tải trọng 2.000 tấn sẽ chở lượng hàng hóa bằng 50 chiếc xe container) chở đầy gạo chỉ còn nhú lên khỏi mặt nước khoảng 1m.

Giai đoạn 1881 - 1933 lúa gạo là sản phẩm đứng đầu về số lượng và giá trị xuất khẩu từ cảng Sài Gòn - Chợ Lớn đến các thị trường thế giới.

Năm 1869, một người Mỹ tên Andrew Spooner đã xây dựng cơ sở xay lúa đầu tiên ở Sài Gòn - Chợ Lớn và đến năm 1874 đã xây dựng nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước đầu tiên tại đây.

Năm 1877, kênh Chợ Gạo khánh thành

Năm 1885, hàng loạt nhà máy xay lúa mọc lên ở dọc kênh Tàu Hủ như: các nhà máy của Công ty Rizerie à Vapeur, nhà máy của Công ty Rizerie Saigonnaise. Ngoài ra còn có rất nhiều cơ sở nhỏ buôn bán lúa gạo và xay lúa do người Hoa và người Việt làm chủ.

Theo Phạm Quang Trung (Nghiên cứu lịch sử số 6, năm 1985), nếu như năm 1860 Nam kỳ chỉ xuất khẩu được 53.000 tấn gạo thì sang năm 1880 đã xuất tới 294.500 tấn nhờ có kênh Chợ Gạo. Mười năm sau, sản lượng xuất khẩu tăng vọt lên 747.600 tấn. Cứ thế, sản lượng gạo ở Nam Kỳ xuất khẩu không ngừng tăng lên qua từng năm. Năm 1940, Pháp đã xuất khẩu tới hơn 1,4 triệu tấn; lợi nhuận thu được khoảng 140 triệu Franc.

Hiện nay ở miền Tây có một số cảng tiếp nhận tàu 3.000 - 4.000 tấn nên một ít sản lượng gạo được xuất khẩu trực tiếp tại đây. Tuy nhiên, kênh Chợ Gạo vẫn giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với ngành xuất khẩu gạo và nông sản của Việt Nam. Qua hơn 140 năm tham gia xuất khẩu gạo, sản lượng kỷ lục mà Việt Nam đã từng đạt được là 7,72 triệu tấn vào năm 2012. Từ đó đến nay chưa năm nào xuất khẩu gạo vượt qua được con số đó.[4]

Vựa tro, rơm

Tận dụng lợi thế trên bến, dưới thuyền, ở góc ngã ba kênh Chợ Gạo - rạch Kỳ Hôn hình thành xóm mua bán tro đốt từ rơm sau mỗi vụ thu hoạch của những người nghèo không có đất sản xuất từ trước những năm 1960. Một điều rất đặc biệt là những vựa tro ít ỏi còn tồn tại ở xóm tro Chợ Gạo đều do những người con dâu quản lý.

Thời gian gần đây, năm 2018, nghề mua bán tro sắp kết thúc vai trò lịch sử của nó. Hiện nay ở cặp bờ kênh Chợ Gạo thuộc khu vực xã Tân Thuận Bình, Quơn Long, Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang xuất hiện nhiều vựa mua bán rơm. Nếu như ngày trước người ta đốt rơm lấy tro bán làm phân cải tạo đất thì bây giờ rơm sau thu hoạch đều được máy cuốn lại thành cuộn 20 kg, vận chuyển đi khắp nơi bán giá cao hơn rất nhiều so với tro. Rơm được dùng để phủ gốc thanh long và nhiều loại cây trồng khác để chống bốc hơi nước hay cho ăn.[6]